Cuộc chiến nảy lửa giữa ba “ông lớn” ngành chip
Intel- gã khổng lồ công nghệ Mỹ, đang chuẩn bị thúc đẩy cuộc cạnh tranh ngôi vị dẫn đầu với các “ông lớn” TSMC và Samsung.
Intel đang dần bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài, còn được biết đến là mảng kinh doanh xưởng đúc. Trước đó, Intel tạo dựng danh tiếng khi thiết kế và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của riêng mình cho PC và máy chủ. Việc tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng khiến Intel phải cạnh tranh trực tiếp với hai nhà cung cấp lớn của chính họ, đó là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics.
Đối với Intel, động thái này vừa mở ra một nguồn doanh thu tiềm năng mới, vừa là một cách để lấy lại lợi thế công nghệ trong lĩnh vực sản xuất chip đã bị mất ở châu Á trong nhiều thập kỷ qua.
Trong mảng kinh doanh xưởng đúc, Intel đã chi khá mạnh tay, bao gồm 20 tỷ USD cho một cơ sở sản xuất chip ở Oregon (Mỹ) và 16,8 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Đức, cũng như 3,5 tỷ USD để mở rộng cơ sở đóng gói chip ở New Mexico (Mỹ) cùng khoản đầu tư lên đến 20 tỷ USD vào Arizona fabs và phần còn lại để mở rộng sản xuất chíp tại Ireland. Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 2 vừa qua, Intel đã mua lại xưởng đúc Tower Semiconductor của Israel với giá 5,4 tỷ USD.
Trao đổi với Nikkei Asia, ông Randhir Thakur, người đứng đầu Intel Foundry Services (IFS), cho biết: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành xưởng đúc chíp số hai trên thế giới vào cuối thập kỷ này”. Được biết, IFS được thành lập vào năm ngoái để biến tầm nhìn của CEO Intel Gelsinger thành hiện thực.
Hiện nay, Intel đang phải vật lộn để giành được khách hàng. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Trendforce cho biết, TSMC- nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, kiểm soát hơn 53% thị trường xưởng đúc toàn cầu trong nửa đầu năm nay. Trong khi Samsung Electronics cũng chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định sắp tới sẽ diễn ra cuộc chiến nảy lửa giữa 3 “ông lớn” này trong ngành chip toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, chiến lược kinh doanh xưởng đúc của Intel là hợp lý và các khoản đầu tư khủng hiện tại là điều mà Intel buộc phải làm để tham gia vào mảng kinh doanh này. Ông David Crawford, một lãnh đạo cấp cao tại Bain & Co., nhận định: “Tôi nghĩ đó là một chiến lược rất hợp lý để Intel mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh chế tạo. Chiến lược này không dành cho những nhà đầu tư không ưa mạo hiểm. Chiến lược tồi tệ nhất đối với Intel là làm những điều bình thường”.
Mặc dù vậy, ông Chris Miller, Giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts đánh giá, Intel sẽ phải làm nhiều việc để có thể bắt kịp TSMC trên mặt trận công nghệ. Cụ thể, chuyên gia này chỉ ra, xét về quy trình sản xuất thực tế, việc sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay diễn ra ở Đài Loan (Trung Quốc), nơi TSMC đang chế tạo 90% chip xử lý tiên tiến nhất thế giới.
“TSMC luôn là công ty dẫn đầu lĩnh vực này trong ba thập kỷ qua khi xác định rõ những thay đổi trong kinh doanh và theo đuổi những tiến bộ công nghệ. Trong khi đó Intel đã tụt hậu về mặt công nghệ trước TSMC. Mười năm trước, Intel có công nghệ xử lý tiên tiến nhất. Ngày nay, điều đó không còn như vậy nữa”, ông Miller cho biết.
Nhiều khả năng, trong tương lai Intel có thể thúc đẩy việc sản xuất chip nhiều hơn ở Hoa Kỳ, nhưng điều này sẽ không phải là một thay đổi đáng kể. Trong 5 năm nữa, các doanh nghiệp vẫn sẽ mua rất nhiều chip tiên tiến từ TSMC.
Có ba công ty trên thế giới sản xuất chip logic tiên tiến: TSMC, Samsung và Intel. Và trong 5 năm nữa, sẽ có một trong ba công ty này đứng ở vị trí dẫn đầu. Và rất có thể, những thay đổi về địa chính trị có thể mang lại cho Intel cơ hội mà họ đã chờ đợi.